Tỉ phú Hải đồ cổ- " Vua chúa chổm"
Vua của Chúa Chổm" Bùi Xuân Hải
[22.11.2007 17:16]
“Người ta gọi tôi là “vua sứ” nhưng mấy ai biết tôi còn là vua của chúa Chổm vì cái bản án oan sai chết tiệt kia”. Bùi Xuân Hải nói, giọng nghe chừng đã yếu lắm. Tôi lựa lời chia sẻ nhưng trong lòng đầy những nghĩ suy: Không biết trước khi nhắm mắt, ông có tìm lại được chút gì thanh thản? Mấy bữa trước, Giáo sư Thành Quân Ức (Đại học Bắc Kinh) gọi điện khoe với tôi: “Trong chuyến sang VN vừa rồi, thật may mắn tôi đã mua được mấy món đồ sứ cực kỳ vương giả. Chủ nhân của nó là một nghệ nhân làm đồ sứ bậc thầy”. Tôi cười mỉm một mình. Còn ai vào đây nữa ngoài cái ông “vua đồ cổ” ấy. Giờ, dù bệnh tật đầy mình, thời gian còn lại trên thế gian được tính bằng năm nhưng cũng có thể bằng tháng, ông mới được phong “vua sứ” vì mấy cái món đồ sứ vương giả, độc đáo kia. Linh hồn cổ vật Vốn là giáo viên môn địa lý ở một trường cấp III tại Hải Dương, số phận run rủi đưa ông Bùi Xuân Hải vào thế giới đồ cổ mà vinh quang thì ít, cay đắng thì nhiều. Khi còn đi dạy học, một lần đến thăm nhà một cậu học sinh, thấy ông nội của cậu ta bị bệnh lao, đang nằm bẹp trên giường. Cụ ho rất nhiều và nhổ đờm vào một cái lọ độc bình bẩn thỉu. Thầy Hải thấy ngại cho cậu học trò của mình khi phải chăm sóc ông nội và cũng thương ông già. Hôm sau, thầy Hải mang đến biếu ông cụ một cái bô sắt tráng men mới tinh, có nắp đậy. Rồi tối hôm đó, cậu học sinh nọ đem cái lọ độc bình đã được cọ rửa sạch sẽ đến tặng thầy Hải. “Em định vứt đi nhưng sau khi lau sạch bụi thì thấy cái bình khá đẹp. Vì thế, em mang đến xem thầy có dùng được vào việc gì không”. Đúng là cái bình rất đẹp. Dáng nó thanh thoát, màu men rất lạ, hình tám thiếu nữ vẽ trên bình rất sinh động. Thầy Hải cầm cây bút chì gõ lên miệng bình nghe tiếng kêu trong như tiếng chuông đồng. Thầy Hải đặt cái bình lên một cái đôn làm bằng gỗ gụ, để bên cạnh cái sập khảm trai của bố. Mỗi khi đi dạy về, thầy lại ngồi ngắm cái bình và mỗi lần ngắm lại nhận ra thêm một vẻ đẹp mới của nó. Rất lâu sau, một người chuyên buôn đồ cổ ở phố Hàng Khay – Hà Nội đến nhà xem chiếc bình và nói cho thầy Hải biết rằng đó là cái bình bát tiên thuộc loại tối cổ. Mươi hôm sau, ông ta lại đưa ba người nữa từ Hà Nội xuống để chiêm ngưỡng cái bình bát tiên. Họ đòi mua chiếc bình với giá hai cây vàng. Thầy Hải không bán. Họ trả lên hai cây rưỡi, rồi ba cây, thầy cũng không bán. Một tuần sau, họ lại xuống và chiếc bình được trả giá sáu cây vàng. Lần này thì thầy Hải bán, vì lúc đó đất nước vừa thống nhất và thầy muốn đi du lịch miền Nam một chuyến. Dạo đó người ta đi miền Nam là đi buôn, mua toàn xe máy, quạt điện, tivi... Còn thầy Hải thì không mua những thứ đó. Hàng hoá thầy mang ra chiếm gần nửa toa tàu và toàn là đồ cổ, cái chén ngọc của công chúa Ngọc Hân dâng rượu cho Quang Trung, cái cối giã trầu bằng ngọc thạch của bà Cả Lễ (mẹ Ngô Đình Diệm) những bộ ấm chén từ đời Tống, những chiếc đĩa cổ đời Đường... Tận bây giờ, khi nhớ lại chuyến đi đó, ông Bùi Xuân Hải vẫn tiếc rẻ vì vốn liếng lúc đó chỉ có sáu cây vàng: “Đồ cổ lúc đó rẻ lắm. Một chiếc xe Honda nếu bán đi thì có thể mua được cả một sọt bát đĩa cổ đời nhà Thanh. Tiếc vô cùng, nhưng tiền tôi có hạn, chẳng nhẽ lại bán nhà đi để mua đồ cổ. Vả lại nhà là của bố mẹ tôi chứ không phải của tôi. Nếu là của tôi thì tôi đã bán phắt đi để mua đồ cổ rồi”. Tuy thế, với nửa toa tàu đồ cổ từ miền Nam mang ra, ông Bùi Xuân Hải đã được giới chơi đồ cổ ở Bắc Hà tôn là “vua đồ cổ”. Và cái biệt danh Hải đồ cổ cũng có từ đấy. Những món đồ cổ làm ông Bùi Xuân Hải mê mẩn. Người ta bảo cổ vật có linh hồn và linh hồn cổ vật luôn lay gọi ông, đánh thức trí sáng tạo của ông. Ông cất công lên làng Bát Tràng để xem người ta làm đồ gốm sứ. Về nhà, ông Bùi Xuân Hải cứ nghĩ mãi: “Tại sao bây giờ lại không làm được những món đồ sứ đẹp như người xưa?” Để trả lời câu hỏi này, ông Hải đã ngồi đập vỡ không biết bao nhiêu là bát đĩa cổ để nghiên cứu xem người ta làm xương cốt của đồ sứ như thế nào, làm men như thế nào. Ngày đó, giới đồ cổ tưởng là ông Hải bị điên, vì không ai lại đập đi những món đồ quý như thế. Rồi một đêm khuya, ông Bùi Xuân Hải chợt nhận ra rằng mình có thể làm được những món đồ sứ giả cổ giống như thật, thậm chí còn đẹp hơn thật. Thế là ông bán bớt đồ cổ đi để lấy tiền thành lập Cty Havico chuyên sản xuất đồ sứ xuất khẩu. Bản án 20 năm tù vì… Liên Xô tan vỡ Sau chiến tranh, chúng ta bắt đầu phải trả nợ nước ngoài và Cty Havico là DN tư nhân duy nhất ở nước ta có thể xuất khẩu hàng hoá sang Đông Âu để trả nợ cho Nhà nước. Chỉ trong hơn hai năm, ông Bùi Xuân Hải đã xuất khẩu một lượng hàng lớn, trị giá hơn 8.000.000 USD. Vì Havico sản xuất hàng sứ để trả nợ cho Nhà nước nên ông Bùi Xuân Hải được ưu tiên vay vốn ngân hàng. Ông cũng là nhà DN tư nhân duy nhất ở nước ta được vay tới 17 tỷ đồng của Ngân hàng nhà nước vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Nhưng đây cũng là cái họa của ông. Khi các nước XHCN, mở đầu là Liên Xô rồi đến Đông Âu sụp đổ thì ông Bùi Xuân Hải trở thành con nợ lớn của ngân hàng, vì các nước Đông Âu không thanh toán được tiền hàng cho Havico. Không gì đơn giản hơn việc chụp cho các nhà DN một cái tội tày đình là: “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. Chỉ cần cơ quan điều tra đánh giá tài sản của DN không đúng là chủ DN có thể phải đi tù ngay. Khi bị bắt năm 1997, trong kho ông Bùi Xuân Hải còn có 300.000 chiếc bình đựng rượu giả cổ, làm theo đơn đặt hàng của Nhật Bản, chưa kịp nung nhưng cơ quan điều tra coi như là những cục đất sét không đáng giá một xu. Trong nhà ông Hải lúc đó cũng đang còn 127 món đồ tối cổ và đã bị cơ quan điều tra tịch biên, song không ai nghĩ tới việc bán đấu giá những món đồ đó để xoá tội cho ông Bùi Xuân Hải, vì thế mà ông bị một cái án oan 20 năm tù giam. Lại nữa, ông là một người sống tiết tháo như nhà Nho và gàn như một ông Đồ nên tội ông càng nặng. Trước toà, bà Thẩm phán chất vấn ông: - Tại sao ông chỉ là một thầy giáo địa lý, không học hành gì về kinh doanh mà có thể làm giám đốc DN? Ông Bùi Xuân Hải đáp: - Nếu có một cuốn sách dạy mua hàng chỗ này, bán hàng chỗ kia, thu lãi mấy phân thì cả nước ta đều trở thành tỷ phú hết. Nhưng ở đời không có cuốn sách đó. Theo luật pháp, tôi có một dự án khả thi và một số tiền vốn cần thiết thì tôi có quyền thành lập Cty và đương nhiên tôi là giám đốc. Còn việc kinh doanh như thế nào thì hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của từng người. Cũng như chị và anh ấy đã đến phường đăng ký kết hôn thì đương nhiên chị được làm vợ và anh ấy được làm chồng. Còn có con hay không, con trai hay con gái là tuỳ phúc phận của mỗi người chứ khi đăng ký kết hôn, nhà chức trách không hỏi anh chị rằng đã học cách lên giường chưa? Bị cáo trước toà mà nói gàn như thế thì 20 năm tù giam là còn nhẹ. Song, cũng nhờ sự sắc sảo và bộ óc rất thông minh mà trong phiên phúc thẩm ông Bùi Xuân Hải đã trắng án. Ông không mời luật sư mà tự bào chữa lấy. Đứng trước vành móng ngựa, ông Bùi Xuân Hải nói liền một mạch bốn tiếng rưỡi, viện dẫn chính xác và rất khúc chiết tất cả mọi điều luật và mọi nghị quyết của Trung ương Đảng, các nghị định của Chính phủ mà không cần phải dở một trang sách nào, thậm chí ông còn chỉ cho các quan toà biết rằng những điều ông vừa trích dẫn nằm trong sách nào, trang bao nhiêu, dòng thứ mấy. Chủ toạ phiên toà - ông Trịnh Hồng Dương rất đỗi kinh ngạc. Các nhà DN ở Hà Nội và các nhà báo đón ông Hải trước cửa TAND tối cao, mời ông đi ăn đặc sản và mua tặng ông một bộ complet vì lúc đó ông đã cởi bỏ áo tù và đang mặc quần đùi. Trường ca đất – lửa và tiếng hót của chim hoạ mi Sáu mươi ngày sau khi ra tù, ông Bùi Xuân Hải gọi điện cho tôi: - Hơn 20 tháng tôi bị tạm giam, toàn bộ nhà xưởng bị chìm lấp trong rừng cây xấu hổ và cỏ dại. Hai tháng qua, một mình tôi đã phát quang 3 ha đất trước sân Cty, đánh chết hơn 200 con rắn độc, khôi phục lại bốn cái lò nung và từ ngày mai tôi bắt đầu khôi phục lại Cty Havico. Đó là những ngày làm việc đầy hào hứng của ông Bùi Xuân Hải. Ông làm việc tối ngày thâu đêm. Dường như ông muốn giành lại thời gian đã mất ở nhà tù Hoả Lò. Ông làm đề án xây dựng lâu đài sứ. Đó là một trường ca đất và lửa. Khi mô hình toà lâu đài được làm xong, ông Đoàn Duy Thành khi ấy là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN nói rằng: “Đây là thơ chứ không phải sứ”. Nhưng công việc đang dở dang thì ông Bùi Xuân Hải lại bị bắt giam vì vi phạm Luật đất đai. Lần này thì ông Hải có thuê luật sư bào chữa cho mình. Nhưng ông luật sư này cũng vào loại thông minh và gàn dở như ông Bùi Xuân Hải. Các nhà báo dự phiên toà vô cùng ngạc nhiên khi nghe ông luật sư tranh luận với công tố viên rằng: - Ông Bùi Xuân Hải không hề vi phạm Luật đất đai. Cần phải gọi sự vật theo đúng tên của nó. Ông là kiểm sát viên cao cấp mà trình độ pháp luật i tờ đến thế thì rất nguy cho dân. Luật sư mà bào chữa như thế thì chỉ có làm cho thân chủ khổ thêm mà thôi. Và ông Bùi Xuân Hải lại phải ngồi tù, lần này thì không ai cứu được nữa, vì đó là phiên toà chung thẩm. Nghe chủ toạ phiên toà tuyên phạt ông Bùi Xuân Hải 18 tháng tù giam, các nhà báo vô cùng e ngại, vì ông bị ung thư vòm họng, giai đoạn cuối. Đứng trước vành móng ngựa, giọng ông không còn sang sảng như trước nữa mà khối u trong họng đã làm cho tiếng nói khàn hẳn đi. Một khoảng da màu lục hiện lên nơi yết hầu của ông cho thấy bệnh tình ông Hải đã nặng lắm. Tôi đinh ninh rằng, với ông Bùi Xuân Hải, thế là hết tất cả. Chấm hết một sự nghiệp, chấm hết những ý tưởng thông minh và táo bạo, chấm hết hoài bão của một nhà DN. Mười tám tháng ngồi tù, ông Bùi Xuân Hải đã mày mò nghiên cứu công nghệ vẽ vàng ròng lên đồ sứ trước khi đem nung. Và sau khi ra tù, ông vay mượn bạn bè, bán đi những món đồ cổ mà ông tiếc đứt ruột để xây lò và thực hiện bằng được công nghệ này. Và bây giờ thì ông Bùi Xuân Hải là người duy nhất ở nước ta sở hữu công nghệ tạo ra những sản phẩm sứ cực kỳ độc đáo và rất vương giả. Người bán hàng nói với tôi rằng khách mua đông nhất là các nhà DN Trung Quốc, còn người Việt ta thì chỉ những nhà khá giả mới mua. Trong hội chợ quốc tế về hàng sứ vừa qua, gian hàng sứ vương giả của ông Bùi Xuân Hải bày liền kề gian hàng sứ của Trung Quốc. Song về đồ sứ trong hội chợ này, chỉ duy nhất sứ Hải đồ cổ đoạt được cúp vàng. Với 20 tháng ngồi tù oan, Nhà nước quyết định bồi thường cho ông Bùi Xuân Hải 1,7 tỷ đồng nhưng ông không chấp nhận vì thiệt hại của ông trong vụ án oan này lên tới hàng trăm tỷ đồng. “Người ta gọi tôi là “vua sứ” nhưng mấy ai biết tôi còn là ông nội của chúa Chổm vì cái bản án oan sai chết tiệt kia”. Ông Hải nói, giọng nghe chừng đã yếu lắm. Tôi lựa lời chia sẻ nhưng trong lòng đầy những nghĩ suy: Không biết trước khi nhắm mắt, ông có tìm lại được chút gì thanh thản? |
||