Nghệ nhân Bùi Xuân Hải- 4 lần vào tù oan và ý chí quật cường vươn lên
"Anh ta có trí tuệ, có tầm, tâm sáng, nhưng phương pháp thì rất tồi. Có thế mới phải vào tù 4 lần, nhưng đó chưa phải là con số cuối cùng", ông Đoàn Duy Thành (nguyên bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND Hải Phòng) nói về Bùi Xuân Hải, nhân vật nổi tiếng ở đất cảng. Bùi Xuân Hải (Hải "Đồ Cổ") sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản. Năm thứ hai Đại học Sư phạm Hà Nội, Hải bị ung thư vòm họng, cuộc đời coi như kết thúc khi giáo sư Tôn Thất Tùng bảo: "Mổ thì mổ, nhưng cậu đã đặt một chân vào quan tài rồi". Nhưng Hải không chết, hát cả ngày và trèo rào Bệnh viện K về trường thi học kỳ. Ra trường năm 1965, ông Hải về trường cấp 3 Phù Cừ (Hưng Yên)và được giao thêm việc quản lý bếp ăn. Khả năng làm kinh tế của Bùi Xuân Hải phát lộ từ đây. Bếp ăn trường Phù Cừ ngon và rẻ nhất Hưng Yên, trong khi Bùi Xuân Hải lại “có chút tiền giắt lưng”. Hai năm sau, Hải chuyển sang trường Văn Giang cùng tỉnh, bếp ăn Văn Giang lại nổi tiếng ngon và rẻ. Thấy cánh đồng bỏ không giữa 2 vụ lúa, Hải thả ra đồng 11 con ngan. Nhờ ngan vịt, Bùi Xuân Hải có 3 lạng vàng khi trở về Hải Phòng năm 1970. Năm cuối đại học, Hải dự cuộc thi tìm hiểu về Lenin và đoạt giải nhì, được thưởng một chiếc đài Liên Xô VEB 204, Hải bán được 6 lạng vàng. Năm 1972, Đài Phát thanh Moscow tổ chức thi tìm hiểu về đất nước Liên Xô, Hải gửi một bài viết dày 7 cm, nặng 4 kg. Giải thưởng là mô hình tháp truyền hình Ostankino bằng bạch kim. Đem bán nốt, Hải được 11 lạng vàng. Có tiền, Hải mua đồ cổ. Mua đi bán lại, năm 1979-1980, thời cực thịnh, Hải có hàng chục nghìn món đồ cổ trị giá hàng nghìn lạng vàng. Đồ cổ chất đầy nhà số 14 Phạm Bá Trực ở Hải Phòng, gửi trong Nam ngoài Bắc. "Người ta hỏi tôi làm gì mà có nhiều tiền như thế, tôi bảo nhờ 11 con ngan... Không chỉ có mấy giải thưởng làm vốn, các quy luật kinh tế của chủ nghĩa Marx đã soi sáng con đường làm ăn của tôi", ông Hải nói. Năm 1981, Hải "Đồ Cổ" được ông Đoàn Duy Thành trọng dụng như một chuyên viên kinh tế của Hải Phòng, dù vẫn là người của ngành giáo dục. Mang 50.000 USD sang Nhật, Hải mua đồ cũ hết 12.000 USD, chất đầy con tàu Tự Lực, trở về Hải Phòng bán cả triệu đôla. Tiếp đó, Hải đề xuất đi... buôn vàng vì giá vàng chênh lệch 4 lần so với giá vàng thế giới. Mang thử 0,5 kg vàng tính chuyện đi Singapore, đến Hà Nội thì bị bắt, một cán bộ cao cấp phải ra tay mới cứu được Hải thoát cảnh ngồi tù. Cuối năm 1981, nghe giới thiệu có một tượng đồng đen ở Thụy Chính, Thái Thụy (Thái Bình), Bùi Xuân Hải mang theo tiền mặt trị giá 1,7 kg vàng đến mua. Chủ nhà đưa ra một pho tượng đồng hun đen. Trong lúc Hải phát hiện ra đó là đồ giả, còn mọi người chui xuống gậm bàn để... tránh phóng xạ thì Công an Thái Bình ập vào thu sạch tang vật. Trên đường giải lên xã có người rỉ tai Hải chạy đi. Hải không chạy, cứ đòi làm ra môn ra khoai. Chẳng ai đứng ra xử lý, Hải bị giam hai tháng rưỡi. Té ra đó là ngón lừa của một số cán bộ công an tha hóa ở Thái Bình. Dụ người đến mua, rồi hô hoán, vu là buôn hàng quốc cấm, cướp sạch tang vật rồi cho "thủ phạm" chạy thoát. Bùi Xuân Hải là nạn nhân thứ 29 của đường dây siêu lừa này. Rời trại giam, Bùi Xuân Hải tình cờ trở thành cán bộ làm kinh tế của Bộ Giáo dục, được cấp một chiếc xe Lada trắng để đi giao dịch. Kể lại chuyện này, ông tự đắc: "Hồi đó Volga là bộ trưởng, Lada là thứ trưởng đấy". Nào ngờ “oai như thứ trưởng” lại vào tù từ ghế xe Lada. Chiều 8/3/1986, cảnh sát kinh tế chặn chiếc Lada trên đường Khâm Thiên (Hà Nội) và đưa Hải về trại giam Bình Đà (Hà Tây). Sau 21 tháng rưỡi tạm giam, điều tra và thu giữ hầu hết những món đồ cổ quý giá. Tại phiên tòa mở tháng 12/1987 kết án Bùi Xuân Hải tội đầu cơ đồ cổ. Với bản án 21 tháng tù giam, được trả tự do ngay sau khi tuyên án vì thời hạn tù bằng thời gian tạm giam. Ra tù, trắng tay. Bùi Xuân Hải về Hải Phòng và cho ra đời Xí nghiệp tư doanh Sứ mỹ nghệ xuất khẩu Hải Phòng, một trong những xí nghiệp tư nhân đầu tiên ở thành phố cảng. Đến ngày 19/1/1994, Hải vào tù lần thứ 3. Công an Hà Nội bắt ông với tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa vì nợ của một công ty xuất nhập khẩu 400.000 USD. Ra tòa 3 lần, Hải không thừa nhận hành vi. Không thành án, ngày 31/5/1995, Bùi Xuân Hải được trả tự do khi sản nghiệp đã tan tành. "Ra tù khi mọi thứ đã tan hoang, tôi bán tài sản trên đất làm lại cuộc đời. Các cơ quan ở Hải Phòng lại tổ chức thanh tra và kết cho tôi tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Ngày 15/7/2002, tôi bị bắt lần thứ 4 và lĩnh án 15 tháng tù nhưng được ra trước một tháng. Trong tù, tôi viết một luận văn về đất đai 200 trang, đã đưa các chuyên gia đọc, mọi người khen hay. Tôi đang nhờ một nhà xuất bản in thành sách", ông kể. Cơ ngơi của ông Hải bây giờ là khu đất rộng hơn 20.000 m2 ở xã Anh Dũng, Kiến Thụy, Hải Phòng. Dự án du lịch duyệt năm 1996, nhưng thủ tục về đất đai đến nay vẫn chưa xong và dẫn đến một cuộc cưỡng chế phá dỡ, bây giờ trông như vừa bị sóng thần ghé thăm. Chui rúc qua những khu vườn hoang tàn, những đống đổ nát, ông Hải khoát tay: “Đây sẽ là khách sạn 6 tầng 250 phòng, trên là cung điện thần Vệ nữ, kia sẽ là một làng nghề với 1.500 nghệ nhân, chỗ này thì làm một trung tâm thương mại, góc này làm khu thể thao, sinh thái, có đường trượt nước, rừng đào cổ thụ, núi đá, trên là tượng Phật cao 27 m, nặng 500 tấn, thác nước 25 m và một cái chùa sứ đẹp còn hơn... lăng Khải Định”. Ông Hải mở cặp, lấy ra những bản vẽ in phun rực rỡ: "Có đối tác rồi, một cậu bằng tuổi con tôi nhưng có tiền, giỏi và năng động lắm. Tôi còn có tham vọng làm cho Việt Nam ta một lâu đài sứ tầm cỡ kỳ quan. Sẽ đào tạo 20.000 thợ vẽ sứ. Làm trong 4 năm". Tại khu xưởng sứ vừa khôi phục lại đầu năm 2004, ông nói: "Toàn là nghệ nhân, vẽ rất đẹp. Mục tiêu của tôi là làm ra những bộ ấm chén giá 15 triệu đồng, để cho Meissen (một vùng sứ nổi tiếng của Đức) hay trấn Cảnh Đức (Giang Tây, Trung Quốc) cũng phải nản lòng". Rồi ông nói: "Cuộc đời tôi bắt đầu từ hôm nay”. |
Theo Việt báo